Ai cũng biết để học tốt tiếng Anh, cần phát triển đồng đều 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và vững vàng ngữ pháp. Trong đó nhiều bạn thấy rối với việc nghe, vì nghe không kịp với các cuộc đối thoại của người bản xứ dẫn đến không hiểu, và cứ phải đoán đại.
Tuy nhiên, một tin vui là việc nghe không phải là một năng khiếu, nó hoàn toàn là một kỹ năng có thể tập luyện được, chỉ cần chăm chỉ, từng chút một mỗi ngày.

Có hai phương pháp nghe giúp bạn trong quá trình tập luyện nâng cao kỹ năng này, đó là nghe thụ động và nghe chủ động. Vậy nghe thụ động là gì, nghe chủ động là gì, cái nào tốt hơn cái nào, và nên dùng nó trong những trường hợp để để tăng kỹ năng nghe? Dưới đây là những tìm hiểu mà MinMax thu nhặt được.
Nghe thụ động (Passive listening)
Nghe thụ động là nghe một cái gì đó hoặc một ai đó mà bạn không cần hoàn toàn tập trung nghe. Bạn chỉ đơn giản là bật một đoạn clip, một bài nhạc, một bộ phim, một cuốn sách, hay chương trình tin tức bằng tiếng Anh trong khi đang làm một việc khác. Ví dụ như làm việc, học bài, làm việc nhà, lướt facebook, đọc báo, chơi game… thậm chí là ngủ.
Khi việc nghe này được lặp đi lặp lại, hình thành nên thói quen, nó sẽ giúp bạn làm quen với môi trường tiếng Anh, cách phát âm, tốc độ nói, cách nhấn giọng và ngữ điệu của người bản xứ.
Nghe chủ động (Active listening)
Nghe chủ động là khi bạn hoàn toàn tập trung vào việc nghe một điều gì đó hoặc một ai đó, cố gắng hiểu những gì mà người nói truyền tải. Đây là phương pháp chính giúp bạn tăng vốn từ vựng và nghe hiểu. Do đó, hãy đảm bảo rằng bạn chọn được các đoạn clip, video khơi được nguồn hứng thú và phù hợp với trình độ nghe của mình.
Hãy chắc chắn rằng bạn có thể hiểu được ít nhất 70 đến 80% nội dung của các đoạn video. Nên bắt đầu từ những đọa clips/videos đơn giản, vui nhộn để tạo hứng thứ, chớ đừng cố ép mình phải nghe những video quá khó hiểu hoặc nhàm chán.
Nên đặc biệt quan sát cách biểu đạt, ngữ điệu, ngôn ngữ hình thể… của người nói. Bạn có thể chọn cho mình “những thần tượng”, những người bạn ngưỡng mộ để học hỏi cách họ diễn đạt, từ ngữ mà họ dùng, những vấn đề mà họ quan tâm… cũng là một cách tạo cảm hứng để bạn luyện tập kỹ năng nghe.
Và cuối cùng, đừng quên, ghi chép lại các cụm từ hoặc câu hay, để tăng vốn từ vựng và biến nó thành của mình. Từ vựng là phải sử dụng được, nếu không, nó cũng chỉ là những “từ chết”, chúng sẽ bị quên lãng rất nhanh.