Bầu trời Trung Quốc trong xanh nhờ lệnh phong tỏa
Bầu trời trong xanh hơn trong những tuần gần đây khi nhiều thành phố Trung Quốc bị phong tỏa và cả nước thực hiện lệnh hạn chế di chuyển.
Theo Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc, từ 20/1 đến tháng 4, nồng độ bụi mịn PM2.5 ở nước này đã giảm 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số ngày chất lượng không khí tốt, khi chỉ số ô nhiễm giảm xuống dưới 100, đã tăng 7,5%. Hình ảnh vệ tinh do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu công bố cho thấy lượng khí thải nitơ dioxit ở những thành phố lớn của Trung Quốc trong hai tháng đầu năm 2020 giảm mạnh so với năm ngoái.

Một phụ nữ đeo khẩu trang khi đi dạo ngoài Cố Cung ở Bắc Kinh hôm 12/4. Ảnh: AFP.
Theo NASA, thay đổi ở Vũ Hán, nơi bùng phát nCoV ở Trung Quốc, đặc biệt đáng chú ý, trong khi nồng độ nitơ dioxit ở toàn bộ miền đông và miền trung Trung Quốc thấp hơn bình thường 10-30%.
Vũ Hán là nơi tập trung hàng trăm nhà máy, cung cấp các nguyên vật liệu sản xuất, từ sắt thép tới phụ tùng ôtô và vi mạch. Thành phố 11 triệu dân này vừa được dỡ bỏ lệnh phong tỏa tuần trước, 76 ngày sau khi quyết định “nội bất xuất, ngoại bất nhập” được áp đặt từ 23/1.
Nitơ dioxit phát thải từ các nhà máy sản xuất ôtô, nhà máy điện và cơ sở công nghiệp khác được cho là làm nghiêm trọng thêm các bệnh về đường hô hấp như hen suyễn.
NASA cho biết mức độ ô nhiễm không khí giảm ở Trung Quốc trùng với lệnh hạn chế di chuyển áp đặt lên các hoạt động vận tải và kinh doanh. Dữ liệu từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc ghi nhận mức giảm 25% về khối lượng vận tải hàng hóa đường bộ, lượng tiêu thụ dầu cũng giảm 14% từ tháng 1 tới tháng 2.
Liu Qian, chuyên gia vận động bảo vệ khí hậu của tổ chức Greenpeace có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết lệnh hạn chế sản xuất và di chuyển là nguyên nhân chính khiến chất lượng không khí của Trung Quốc được cải thiện.
“Có nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, nhưng việc dừng các hoạt động sản xuất công nghiệp và hạn chế giao thông cũng góp phần làm giảm mức độ ô nhiễm”, Liu nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng khi tâm dịch Covid-19 chuyển sang châu Âu và Mỹ, Trung Quốc bắt đầu nối lại các hoạt động sản xuất và di chuyển, ô nhiễm không khí cũng sẽ quay lại.
Lauri Myllyvirta, chuyên gia phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch tại Helsinki, Phần Lan, cho biết vệ tinh của NASA và các trạm quan trắc của Trung Quốc phát hiện mức độ ô nhiễm nitơ dioxit bắt đầu nhích lên từ giữa tháng 3 và trở lại mức bình thường vào cuối tháng.
Điều này trùng khớp với kết quả nghiên cứu của trung tâm công bố trên trang web biến đổi khí hậu Carbon Brief, rằng tiêu thụ than đá tại các nhà máy điện và nhà máy lọc dầu khắp Trung Quốc đã trở lại mức bình thường vào tuần cuối của tháng 3.
Ma Jun, giám đốc Viện Các vấn đề Môi trường và Công cộng, một tổ chức từ thiện ở Bắc Kinh, cho biết kế hoạch tái kích thích nền kinh tế sẽ tác động lớn đến ô nhiễm không khí.
“Một khi sản xuất công nghiệp được nối lại hoàn toàn, mức phát thải cũng vậy”, ông nói. “Trừ phi một đợt dịch khác bùng phát buộc chính phủ tiếp tục áp đặt lệnh phong tỏa, nhưng không ai mong muốn điều này. Không khí cải thiện nhờ đại dịch là việc không ổn định và không kéo dài”.
Sau khủng hoảng tài chính 2008, Bắc Kinh đã tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 4.000 tỷ nhân dân tệ (567,6 tỷ USD), đầu tư hàng loạt vào cơ sở hạ tầng gây ảnh hưởng lớn tới môi trường. Trong những năm sau đó, ô nhiễm không khí tăng cao kỷ lục, khiến người dân phản ứng dữ dội.
Trước khi Covid-19 bùng phát, nền kinh tế Trung Quốc đã chậm lại, với mức tăng trưởng 6,1% năm 2019, mức thấp nhất trong 29 năm, làm dấy lên nhiều lo ngại rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ tìm mọi cách để hồi sinh nền kinh tế.
“Từ năm ngoái, chính quyền địa phương đã chịu áp lực rất lớn, khiến người ta lo ngại các quy định bảo vệ môi trường sẽ bị bỏ qua”, Ma nói.
Nhưng Bắc Kinh đang có cơ hội thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng xanh thay vì những dự án phát thải nhiều khí carbon. “Cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là chìa khóa đạt được phục hồi xanh, đó là thứ mà Trung Quốc đang cần”, ông nhận định.
Hồng Hạnh (Theo SCMP)
—
Nguồn: Bầu trời Trung Quốc trong xanh nhờ lệnh phong tỏa.
Phản hồi / Góp ý: [email protected]