Văn Phòng Luật sư Từ Tiến Đạt sẽ cùng với phapluatnhadat.com.vn giới thiệu sơ lược về Thành phố Thủ Đức qua loạt bài Nhìn về đề án thành lập Thành phố Thủ Đức, qua đó cung cấp cho bạn đọc cái nhìn khái quát về việc thành lập Khu đô thị phía Đông này.
Bài 3: Thành phố Thủ Đức sẽ phát triển khi có đơn vị hành chính thống nhất
Thực hiện kết luận chỉ đạo của Thủ tướng tại buổi làm việc với Lãnh đạo TP HCM theo Thông báo số 192 ngày 28 tháng 5 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ, TP HCM đã xây dụng Đề án thành lập “thành phố Thủ Đức” (tên tạm gọi), báo cáo Bộ Chính trị để xin chấp thuận chủ trương, trên cơ sở đó Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định vào tháng 10 năm 2020.
Năm 1997, huyện Thủ Đức được giải thể và hình thành 03 quận mới trên diện tích của huyện Thủ Đức: quận Thủ Đức, Quận 2 và Quận 9.
Qua hơn 20 năm phát triển, trên địa bàn 03 quận đã hình thành nhiều cơ sở kinh tế, giáo dục đào tạo, hạ tầng mới có ý nghĩa quan trọng với phát triển Thành phố, như Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (giai đoạn 2010 – 2020 thu hút trên 7 tỷ USD đầu tư và xuất khẩu 77 tỷ USD), cụm Đại học phía Đông Thành phố (với hơn 100.000 sinh viên và 2.000 giảng viên trình độ tiến sĩ), Vành đai 3, tàu điện ngầm Bến Thành – Suối Tiên, khu đô thị mới Thủ Thiêm, cảng Container Cát Lái lớn nhất Việt Nam,…
Đây là các tiền đề rất quan trọng để có thể hình thành một khu đô thị sáng tạo, tương lác cao của Thành phố, là vùng động lực phát triển kinh tế mới cho Thành phố, là mô hình phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức, kinh tế số gắn với môi trường sống thân thiện, khuyến khích phát triển gia đình bền vững. Là nơi chuyển giao công nghệ mới cho các tỉnh Đông Nam Bộ và mở rộng áp dụng các dịch vụ và sản phẩm công nghệ 4.0 tại các tỉnh Đông và Tây Nam Bộ, tài trợ về vốn cho phát triển kinh tế của cả Vùng, đào tạo nhân lực trình độ cao cho cả Vùng. Từ đó, Thành phố có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước và có điều kiện hỗ trợ phát triển Vùng, xứng tầm là một Thành phố lớn trong khu vục và quốc tế.
Thành phố đã chủ động tổ chức thành công thi tuyển quốc tế về ý tưởng thiết kế quy hoạch Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông Thành phố (bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức) nhằm hình thành Vùng động lực phát triển mới của thành phố.

Theo đó dự án giải nhất được lựa chọn, đã đề xuất 08 trung tâm quan trọng của khu đô thị sáng tạo, tương tác cao, gồm: (1) Trung tâm tài chính gắn với Khu đô thị mới Thủ Thiêm; (2) Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; (3) Trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao (khu công nghệ cao và các khu công nghiệp, khu chế xuất); (4) Trung tâm giáo dục, đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học công nghệ trình độ cao (gồm Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Fulbright, Đại học Nông Lâm và các Đại học lân cận,…); (5) Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam; (6) Trung lâm công nghệ sinh thái – Khu vực Tam Đa và Long Phước; (7) Trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ và Cảng Container Cát Lái; (8) Khu đô thị cảng Trường Thọ – đô thị tương lai.
Đề án thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập 03 quận là một đề án mà Thành phố đã ấp ủ nhiều năm qua, là mô hình “thành phố trong thành phố” nhằm giúp nơi đây thành “hạt nhân”, một “cực” tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế Thành phố và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển vượt bậc trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thành phố Thủ Đức – Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông Thành phố sẽ góp phần hình thành chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, từ khâu sáng tạo tri thức mới, đào tạo nhân lực, thí nghiệm các ý tưởng mới, cung cấp giải pháp và sản phẩm, đến thương mại hóa giải pháp và sản phẩm chất lượng cao, với sự hỗ trợ tài chính hiệu quả cho nghiên cứu khoa học, quá trình khởi nghiệp sáng tạo và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Từ thực tiễn phát triển mạnh mẽ của khu vực phía Đông Thành phố với các khu chức năng hiện hữu được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, là trung tâm kết nối, chuyển giao công nghệ, đào tạo, nghiên cứu của Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Nam bộ và của cả nước; từ các định hướng, quy hoạch trong tương lai, nơi đây kỳ vọng đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thành phố, tương đương khoảng 7% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước (xét về quy mô, chỉ sau GRDP của Hà Nội, lớn hơn GRDP của tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai).
Để khu đô thị sáng tạo tương tác cao phát huy tác dụng thì nó phải được quản lý về mặt nhà nước bởi một đơn vị hành chính, chứ không thể thuộc 03 quận như hiện nay. Do đó, cần một bộ máy quản lý hành chính nhà nước thống nhất, đồng bộ, hiện đại và hiệu quả, một cấp chính quyền đô thị phù hợp có đầy đủ thẩm quyền, sự chủ động cao để phát huy tổng hợp thế mạnh của 03 quận, của Thành phố, khu vực và cả nước; và có năng lực quản lý, điều hành hiệu quả cao, biến Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông Thành phố thành một “cực” tăng trưởng mạnh mẽ nhất, lớn nhất của Thành phố và khu vực.
——————————————————————————————————
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ ĐẠT ĐIỀN
Trụ sở chính: 1014/73 Tân Kỳ Tân Quý, P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân
Trụ sở Tân Nhựt: B15/215K Mặt tiền đường Kênh C Xã Tân Nhựt, H.Bình Chánh
CN Bình Chánh: E5/6C Nguyễn Hữu Trí, TT.Tân Túc, H.Bình Chánh
CN Phú Tây: 66B1/3 đường Liên xã An Phú Tây Hưng Long, H.Bình Chánh.
ĐT: 0966 456 678 – 028. 3968 3456 – 028.66789 112
Email:[email protected]