Văn Phòng Luật sư Từ Tiến Đạt sẽ cùng với phapluatnhadat.com.vn giới thiệu sơ lược về Thành phố Thủ Đức qua loạt bài Nhìn về đề án thành lập Thành phố Thủ Đức, qua đó cung cấp cho bạn đọc cái nhìn khái quát về việc thành lập Khu đô thị phía Đông này.
Bài 1: Thành phố Thủ Đức kế thừa những giá trị lịch sử của địa phương
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị loại đặc biệt, đông dân nhất cả nước; là đầu mối giao thông nối liền các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ; là cửa ngõ giao thương quốc tế, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa – du lịch, giáo dục – khoa học kỹ thuật, y tế lớn của cả nước và khu vực.
Thành phố có tổng diện tích tự nhiên là 2.095,39 km2 (209.539 ha), quy mô dân số 09 triệu người năm 2020 (thực tế có 10 triệu người đang sinh sống, học tập và làm việc), có 24 đơn vị hành chính cấp huyện (19 quận, 05 huyện) và 322 phường, xã, thị trấn (259 phường, 05 thị trấn, 58 xã).
Vị trí địa lý Thành phố ở khu vực Nam Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Bình Dương, Tây Bắc giáp tỉnh Tây Ninh, Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, Đông Nam giáp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây và Tây Nam giáp tỉnh Long An và Tiền Giang.
Thành phố Hồ Chí Minh với truyền thống năng động, sáng tạo đã có nhiều đóng góp về tổng kết thực tiễn các chủ trương, chính sách đồi mới của Đảng và Nhà nước trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội và là nơi đề xuất nhiều mô hình phát triển mới.
Kết luận số 21-KL/TW ngày 24 tháng 10 năm 2017 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24 tháng 10 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh với mục tiêu xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh, hiện đại, phát triển nhanh, bền vững và là đầu tàu kinh tế của cả nước. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc xây dựng Đề án đô thị thông minh – đô thị công nghệ cao, dựa trên mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức đang là những định hướng phát triển mang tính đột phá của Thành phố. Hướng đi này được đúc rút từ những cách làm mới, mô hình thí điểm trước đó của Thành phố như: khu chế xuất, công viên phần mềm, trung tâm công nghệ sinh học, khu công nghệ cao,…
Quận Thủ Đức (12 phường), Quận 2 (11 phường), Quận 9 (13 phường) được thành lập ngày 01 tháng 4 năm 1997, trên cơ sở tách ra từ huyện Thủ Đức; có tổng diện tích 211,56 km2, quy mô dân số 1.013.795 dân, với tốc độ phát triển đô thị hiện nay, khu vực này sẽ nhanh chóng đạt quy mô 02 triệu dân.

Trải qua hơn 20 năm xây dựng, đến nay cơ cấu kinh tế của khu vực đã chuyển dịch đúng định hướng và phát triển nhanh theo hướng tăng đầu tư, phát triển ngành thương mại, dịch vụ, tăng trưởng kinh tế gấp nhiều lần so với trước đây. Khu vực có vị trí địa chính trị chiến lược ở cửa ngõ Đông Bắc của Thành phố, giáp sân bay quốc tế Long Thành trong tương lai, là vùng lõi của vùng kinh tế trọng điểm, giữ vai trò quan trọng trong giao thương với quốc tế, phía Nam và của cả nước; có hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ.
Theo đó, 03 quận phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh (Quận 2, Quận 9, quận Thủ Đức) được lựa chọn để phát triển thành hạt nhân sáng tạo, hình thành một “cực” làng trường mới, trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế, với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo. Do đó, cần một bộ máy quản lý hành chính nhà nước đảm bảo thống nhất, đồng bộ, cần thiết có một cấp chính quyền đô thị phù hợp có đầy đủ thẩm quyền, có sự chủ động cao để tổng hợp thế mạnh và có đầy đủ năng lực điều phối, phát huy tối đa các nguồn lực nổi trội của Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông Thành phố.
Theo quy định, quy trình thủ tục sắp xếp đơn vị hành chính trước khi thực hiện các giai đoạn lấy ý kiến cử tri, thông qua Hội đồng nhân dàn Thành phố về tên gọi của đơn vị hành chính cấp huyện mới sau khi sắp xếp 03 quận. Hiện nay, để dễ gọi tên, Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất tạm thời dùng tên “thành phố Thủ Đức” vừa mang tính kế thừa lịch sử địa danh của địa phương nơi đây, vừa phù hợp với mong muốn của đa số người dân Thành phố.
——————————————————————————————————