Sớm muộn gì bạn cũng có lúc phải trải qua các cuộc phỏng vấn từ các nhà tuyển dụng.
Thường bạn sẽ được phỏng vấn bởi những người chuyên nghiệp, muốn lắng nghe cách bạn chia sẻ về công việc, kinh nghiệm, học vấn… Mặc dù các cuộc phỏng vấn có thể khác nhau, tùy vào quy mô, hình thức doanh nghiệp, tùy vào “style” của nhà tuyển dụng hay hình thức phỏng vấn.
Dưới đây là 5 nội dung phỏng vấn phổ biến nhất và gợi ý cách trả lời giúp bạn chinh phục nhà tuyển dụng (P-2).
- Thách thức nào bạn gặp phải khi giải quyết công việc, và bạn đã xử lý nó như thế nào? (What is a challenge that you dealt with at work, and how did you handle it?)
Cho dù công việc gì đi nữa, bất cứ ai cũng gặp vấn đề khi làm việc. Đó có thể là môi trường làm việc tệ hại, đồng nghiệp xấu tính, sếp tồi, hay khách hàng khó tính…
Với những vấn đề bạn gặp phải, hãy chọn ra một ví dụ cụ thể để chia sẻ, đặc biệt là cách bạn đã đối mặt và xử lý như thế nào.
Với loại câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn nhìn thấy cách bạn đối mặt với những tình huống không thoải mái và liệu cách bạn xử lý, vượt qua nó có hợp lý không.
- Phong cách lãnh đạo của bạn là gì? (What is your leadership style?)
Bất kỳ công ty nào có kế hoạch tuyển dụng và phát triển nhân viên dài hạn và nghiêm túc, họ đều sẽ có câu hỏi này. Đây là một trong những câu hỏi quan trọng nhất.
Đây là vấn đề rất quan trọng, bởi vì phong cách lãnh đạo, kỹ năng, tố chất của bạn sẽ có ảnh hưởng đến tương lai của công ty.
Hãy chia sẻ phong cách lãnh đạo của bạn (the what) nhưng cũng cần giải thích tại sao bạn chọn phong cách đó. Điều gì thúc đẩy bạn trở thành một nhà lãnh đạo? Các sếp của bạn đã dẫn dắt bạn như thế nào trước đây? Bạn đã dẫn dắt người khác như thế nào? Bạn đóng vai trò gì trong đội nhóm của bạn? Hãy suy nghĩ về những người sếp tốt nhất và tồi nhất khi trả lời câu hỏi này.
- Bạn nhìn thấy bản thân mình sẽ ở đâu trong 10 năm tới? (Where do you see yourself in 10 years?)
Nếu bạn định gắn bó lâu dài và phát triển bản thân ở công ty, hãy nói ra.
Nếu bạn có ý định làm ở công ty vài năm, sau đó sẽ phát triển sự nghiệp riêng, hãy nói rõ.
Điều quan trọng là phải rõ ràng ngay từ đầu, để các kỳ vọng mong đợi được thiết lập chính xác giữa hai bên, bạn và nhà tuyển dụng.
Có quá nhiều người không cần suy nghĩ mà trả lời ngay là họ sẽ muốn gắn bó lâu dài với công ty, không chỉ 10 năm mà 20 hoặc thậm chí 30 năm. Nếu thật sự bạn nghĩ vậy thì quá tốt. Nếu không, cần rõ ràng minh bạch với nhà tuyển dụng.
Bạn nên nhớ rằng, những nhà tuyển dụng chuyên nghiệp được đào tạo để nhận biết sự trung thực của bạn trong câu trả lời. Thảo mai và trung thực, bạn nghĩ họ sẽ muốn làm việc lâu dài với ai?
- Bạn có thể chia sẻ những kinh nghiệm lãnh đạo mà bạn có và bạn học được gì từ chúng? (Can you share a leadership experience that you had and what you learned from it?)
Đây là câu hỏi tương tự như câu hỏi về kỹ năng lãnh đạo.
Đối với câu hỏi này, bạn không chỉ tập trung vào các kinh nghiệm lãnh đạo mà còn bạn học được gì từ chúng để trở thành người lãnh đạo tốt hơn.
Không phải lúc nào người lãnh đạo cũng dẫn dắt đội nhóm mình tới kết quả tốt đẹp. Bạn cũng có thể mắc sai lầm, thất bại, bạn đã đi sai đường. Nếu có, hãy chia sẻ. Mấu chốt câu hỏi này không phải là tán thưởng bạn là người lãnh đạo tuyệt vời như thế nào mà mấu chốt nằm ở chỗ nhà tuyển dụng muốn nghe quá trình bạn học hỏi từ những trải nghiệm để trở nên tốt hơn.
Nhà tuyển dụng quan tâm tới con người lãnh đạo hiện tại của bạn, và con người lãnh đạo có – thể – phát – triển trong tương lai của bạn, không phải bạn của cách đây mấy năm.
- Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi không? (What questions do you have for me?)
Sau khi bị hỏi nhiều câu, giờ đến lượt bạn đây.
Hãy hỏi về công ty, về vai trò, đội nhóm, về quản lý trực tiếp của bạn, về định hướng chiến lược phát triển của công ty.
Và hãy nhớ, bạn có thể chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn này nhiều hơn bạn nghĩ.